Lực lượng và kế hoạch của các bên (1914) Chiến_dịch_Serbia_(Thế_chiến_thứ_nhất)

Đế quốc Áo-Hung

Đại tướng Oskar Potiorek, toàn quyền Bosna và Hercegovina, người chỉ huy quân đội Áo-Hung tấn công Serbia vào tháng 8 năm 1914.

Trước khi chiến tranh bùng nổ, tổng quân số quân đội Áo-Hung có khoảng 415.000 người và sau khi tổng động viên, quân số tăng lên đến 3.350.000 quân nhưng số lượng thực tế có thể chiến đấu chỉ là 1.421.000 quân. Quân số Áo-Hung tham gia tấn công Serbia chỉ vào khoảng 200.000 quân so với ước tính 308.000 quân ban đầu, do phần lớn Tập đoàn quân số 2 của Áo-Hung đã phải đưa sang mặt trận Galicia đối đầu với Nga, chỉ còn lại Tập đoàn quân số 5 và Tập đoàn quân số 6. Bốn mươi phần trăm (40%) lực lượng trên là người Nam Slavơ sinh sống trên lãnh thổ Áo-Hung.[11] Có tổng cộng 18 sư đoàn Áo-Hung tham gia tấn công Serbia vào năm 1914.[12]

Điểm mạnh của quân đội Áo-Hung là có nhiều súng trường hiện đại và có số súng máy và pháo gấp đôi quân đội Serbia, bên cạnh đó có nhiều đạn dược hơn và khả năng vận tải tốt hơn. Cơ sở hạ tầng công nghiệp của Áo-Hung cũng cao hơn Serbia.[13] Tuy nhiên yếu điểm là tính đa dân tộc của quân đội nước này. Trong khi quân số đa phần là người Slavơ nhưng ngôn ngữ chỉ huy lại là tiếng Đức, nên mỗi người lính Slavơ phải học 80 từ tiếng Đức căn bản để hiểu mệnh lệnh.[14] Quân đội nước này cũng không tham gia một cuộc chiến lớn nào trước năm 1914 nên không có kinh nghiệm chiến đấu và quân lính không được huấn luyện kỹ.

Tổng chỉ huy các lực lượng Áo-Hung tham gia tấn công Serbia là Đại tướng Oskar Potiorek, người đã không thể bảo vệ được cho Thái tử Franz Ferdinand trong sự kiện ám sát tại Sarajevo. Conrad von Hötzendorf, tổng tham mưu trưởng quân đội Áo-Hung, tin rằng Áo-Hung sẽ đánh bại Serbia trước khi Nga tổng động viên xong.[15] Kế hoạch cho cuộc chiến với Serbia ban đầu dự tính ba tập đoàn quân: Tập đoàn quân số 6, gồm hai quân đoàn XV và XVI tập trung quanh SarajevoMostar; Tập đoàn quân số 5, gồm hai quân đoàn VIII và XIII, tập trung dọc dòng sông Drina, phía bắc Zvornik; và Tập đoàn quân số 2, gồm hai quân đoàn IV và IX bố trí ở phía bắc, đối mặt quân Serbia dọc sông Sava. Một quân đoàn độc lập, Quân đoàn VII được bố trí gần Belgrade nhất.[16] Tập đoàn quân số 2 được dự tính sẽ hỗ trợ Tập đoàn quân số 5 vượt sông Danube trước khi chính thức đưa đến Galicia.[17]

Serbia

Thống chế Radomir Putnik, tổng tham mưu trưởng và là người chỉ huy trên thực tế quân đội Serbia vào tháng 8 năm 1914.

Chính phủ Belgrade ra lệnh tổng động viên từ ngày 23 tháng 7 và cho đến cuối tháng đã có quân số ước tính 450.000 người[18] Lực lượng chính đối đầu với Áo-Hung là bốn tập đoàn quân 1, 2, 3 và Užice, tổng quân số 180.000 người.[19] Quân đội Serbia cũng chỉ đang trong quá trình hồi phục sau Các cuộc chiến tranh Balkan, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng 36.000 lính Serbia và 55.000 người khác bị thương nặng, bằng cách tuyển quân từ các vùng đất mới chiếm được. Về vũ khí, quân đội nước này thiếu hụt về pháo và đang trong giai đoạn bổ sung đạn dược. Lính Serbia cũng thiếu cả các trang bị cơ bản, nhiều lính mới tuyển mộ thậm chí không được trang bị giày[13] và nhiều đơn vị không có đồng phục trừ áo choàng tiêu chuẩn và mũ truyền thống Serbia gọi là šajkača. Súng trường cũng trong tình trạng thiếu hụt với ước tính khi quân đội Serbia được tổng động viên toàn bộ, có khoảng 50.000 lính Serbia sẽ không được trang bị gì cả.[19] Đó là chưa kể một bộ phận quân đội nước này còn phải được sử dụng cho nhiệm vụ chống các cuộc nổi dậy của người Albania và mối đe dọa từ Bulgaria.

Lợi thế của Serbia so với Áo-Hung là nhiều người lính thuộc quân đội nước này là cựu binh trong Các cuộc chiến tranh Balkan nên có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và được huấn luyện tốt hơn.[20] Tinh thần người lính Serbia cũng cao hơn, bù đắp cho sự thiếu hụt về vũ khí so với đối phương.[21] Địa hình Serbia cũng thuận lợi cho việc phòng thủ với địa hình đồi núi, đường sá khó di chuyển và ba rào cản tự nhiên ở biên giới là sông Drina, sông Danube và sông Sava.[22]

Quân đội Serbia được đặt dưới sự chỉ huy trên danh nghĩa của Thái tử Alexander, còn trên thực tế là Tổng tham mưu trưởng, Thống chế Radomir Putnik, người đã có kinh nghiệm lãnh đạo quân đội nước này trong cuộc chiến tranh Balkan.[23] Kế hoạch của Thống chế Putnik là bố trí các lực lượng của mình ở trung tâm để chờ đón cuộc tấn công từ các hướng. Mục tiêu của ông là tìm cách giữ vững vị trí ở các con sông trọng yếu, xác định địa điểm vượt sông của đối phương và tấn công khi có lợi thế.[24]